BÀI HỌC TỪ MỘT LẦN NÓNG GIẬN ĐỂ NHÂN VIÊN NGHỈ VIỆC, CÔNG VIỆC MẮC KẸT, ĐƠN HÀNG LỚN CÓ NGUY CƠ TUỘT TẦM TAY.

Vừa tốt nghiệp đại học, mang một tâm lý hiếu thắng chứng tỏ bản thân không phải là một đứa “chân dài não ngắn” , cộng thêm cả sự hậu thuẫn từ phía ba mẹ - những người luôn động viên và ở phía sau thúc giục hay nói đúng hơn là người “bảo hành” cho những việc tôi sẽ làm khiến tôi vô cùng tự tin. Tôi lăm le mang những kiến thức lâu nay “tàu ngầm” được trên group và những bài học từ những người thầy cô mà tôi học được từ lớp CEO HN1, dự định sẽ cải tổ những vấn đề mà tôi cho là nổi cộm và nhức nhối ở công ty của gia đình tôi. Tự nhủ dù có ra sao thì cũng nào có sao? Có ba mẹ đứng sau hỗ trợ và giải quyết những hậu quả không may có thể xảy ra rồi cơ mà . Tôi sợ gì mà phải sợ ?

Lần đầu tiên tham gia buổi họp thường niên vào 9h sáng thứ 2 hàng tuần của công ty với khoảng 30 nhân viên văn phòng, tôi thật sự bị choáng ngợp. Tôi chưa từng tham dự một cuộc họp nào sếp ( ba tôi ) đang nói , nhân viên cãi lại không hề kiêng dè và cãi nhau kiểu tay bo không kiêng nể gì. Không phải một mà là nhiều nhân viên ở các bộ phận khác nhau( kế toán, kinh doanhmarketing, thiết kế...). Tôi cảm thấy hoang mang và có một chút nóng mắt vì nghĩ rằng bấy lâu nay ba tôi phải đứng giữa quản lý một đám hỗn độn chực chờ lý do để cãi nhau hăng tiết vịt cho sướng mồm như thế này sao ??

Điều kì lạ là với tất cả những phản ứng và lời nói hỗn hào đó, ba tôi vẫn vui vẻ điềm nhiên như chẳng có chuyện gì xảy ra. Vẫn ung dung và không hề nổi cáu mặc dù trong kí ức của tôi ba tôi là một người vô cùng đáng sợ mỗi khi cáu giận và mỗi lần ba tôi cáu thường bát đũa chén nhà tôi phải... đi mua cái mới hết.
Tôi thì “ để bụng” vụ này trong lòng và không khi nào thôi nghĩ về nó. Tôi không ngừng suy nghĩ sẽ tìm dịp để chấn chỉnh những nhân viên này về thái độ ngày hôm đó và nhìn chung là văn hóa cư xử với nhau giữa mọi người trong công ty.

Đợt này cả công ty đang căng thẳng và ra sức để giành hợp đồng thi công bảng biển của hệ thống Vinmart. Mọi bộ phận trong công ty đều đang trong trạng thái căng thẳng và dồn lực chuẩn bị một cách tốt nhất. Bộ phận kế toán thì lo lắng chuẩn bị tài chính, marketing thì lo hoàn thiện và chuẩn bị hồ sơ năng lực, bộ phận kinh doanh thì theo dõi bám dính đối tác suốt cả tuần, trưởng phòng thiết kế thì gác lại tất cả những việc khác để trực hẳn bên phía Vinmart để có thể sửa đổi ngay lập tức đáp ứng những thay đổi về market và phương án thi công ( do thời gian này bên phía đối tác thay đổi market và người giám sát xoành xoạch chưa thể đi đến thống nhất ). Có thể nói tình hình công ty căng thẳng như dây đàn, chỉ chực chờ một lóe đóm là có thể nổ tung.

Rồi lóe đóm đấy cũng lóe lên vào lúc một đội nhân viên ( gồm quản lý điều hành, trưởng phòng thiết kế, nhân viên kinh doanh) chuẩn bị lên đường tiếp tục đi đàm phán với phía khách hàng. Do đã đi xa và liên tục trong nhiều ngày nên ai cũng căng thẳng mệt mỏi với những thay đổi chưa thể thống nhất được thiết kế và cả phương án thi công từ phía đối tác và hợp đồng chưa chắc chắn trong tầm tay. Trưởng phòng thiết kế đã xảy ra cãi cọ với kế toán trưởng vì một việc vô cùng nhỏ nhặt: kế toán trưởng để cho anh này tự xin chữ kí giám đốc vào giấy giới thiệu đi công tác ( trước đây thì kế toán vẫn làm hộ). Thật là lạ lùng vì hai người này bình thường cũng chẳng mâu thuẫn gì, với cả sự việc cũng không đến mức to tát đến mức phải cãi nhau đến mức náo loạn cả công ty không khác gì một cái chợ. Rồi hai bên bắt đầu lôi kéo phe phái vào cuộc chiến, mang cả những chuyện nhỏ nhặt từ cả năm trước vào để làm mũi dù chĩa vào nhau không bên nào chịu nhường bên nào.

Tôi vô cùng khó chịu và đã đi xuống nói với anh này : “ tại sao có mỗi một việc như vậy mà anh cũng nổi cáu ? Lâu nay mọi người vẫn hỗ trợ nhau trong công việc và coi nhau như bạn bè sao phải chửi um cả công ty lên vì một việc như vậy? Anh không làm thì thôi, có người khác làm. Đừng có lôi kéo tất cả mọi người vào chuyện vớ vẩn của anh và hãy tập trung vào việc quan trọng của anh đi đừng ở đó mà cãi nhau”. Anh này đã quát mắng lại tôi rằng không làm nữa, xin nghỉ việc và anh ta cũng đã quá mệt mỏi với công việc rồi. Trước mặt toàn thể những nhân viên khác, tôi không muốn để người khác biết công ty phải phụ thuộc bất kì một nhân viên nào và đã nói “ Nếu anh đã không muốn làm thì hãy nghỉ việc luôn, công ty không cần giữ những người đã không còn muốn tiếp tục làm việc”. Anh này đã bỏ ngang cả nhiệm vụ công tác trước mặt và bỏ về nhà ngay lập tức.

Và hậu quả của sự việc này thì đến tôi cũng tự tưởng tượng được ra. Phòng thiết kế yếu, các nhân viên khác không thể ngay lập tức thay thế và tiếp nhận hồ sơ công việc từ trưởng phòng thiết kế. Lịch hẹn đàm phán trao đổi với đối tác không có người đi thay phải hủy, hợp đồng thi công có nguy cơ lớn tuột khỏi tầm tay vì mất tín nhiệm cho thấy cách làm việc không chuyên nghiệp.
Ba tôi chỉ gọi tôi vào phòng làm việc và hỏi những câu đơn giản ngắn gọn mà tôi cứng họng không biết trả lời lại như nào:

- Con biết lý do tại sao anh này lại nổi cáu trong cái lúc nhạy cảm căng thẳng này không? Con thử nghĩ xem liệu có phải chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ tí đấy không ?

- Con biết lý do tại sao anh này lại cố gắng to tiếng lôi kéo càng nhiều người vào trận cãi vã không ? Liệu có phải để chứng minh là anh ta đúng hay là muốn lôi kéo sự chú ý của con tham gia vào ?

- Con muốn chấn chỉnh văn hóa và thái độ của nhân viên thì đây có phải là lúc thích hợp không ?
- Lúc nước sôi lửa bỏng này thì việc nào mới là việc quan trọng hơn cả ? Chấn chỉnh thái độ ý thức của nv ngay và luôn ra oai với những nv khác hay là yên chuyện đi để giành được hợp đồng rồi mình mới chỉnh mới nắn nv ?

- Con làm quản lý, hơn thua với nhân viên để làm gì ? Chứng minh con đúng thái độ của chúng nó vậy là sai thì công việc có xong được hay không ?

Để khắc phục hậu quả thì công ty đã phải mất một số tiền khá lớn để thuê gấp một thiết kế đủ năng lực để có thể làm lại toàn bộ hồ sơ thi công trong thời gian ngắn nhất. Mặc dù đã hẹn lại bên phía đối tác và cũng đã giành được hợp đồng nhưng những công trình thi công tại những vị trí thuận lợi nhất đã bị các đối tác khác giành mất trước.

Bài học rút ra từ sai lầm không kiềm chế được bản thân: 

- NV nổi cáu trong lúc công việc đang căng thẳng nhiều khi không chỉ vì mâu thuẫn. Nhân viên muốn được ghi nhận và chú ý, muốn được coi như là quan trọng. NV muốn không chỉ là ban giám đốc mà toàn thể những nhân viên khác biết là anh ta đang đi thực hiện những dự án quan trọng của công ty.

- Bất kì một mâu thuẫn nào xảy ra to tiếng đến tai ban giám đốc cũng đều là có mục đích. Những nhân vật liên quan muốn lôi kéo sự chú ý của những người càng có tầm ảnh hưởng càng tốt. Thứ nhất là để chứng tỏ bản thân mình có chính kiến, bản thân mình không dễ dàng bị bắt nạt để nhân viên khác dè chừng. Sau là để ban giám đốc tham gia vào việc phân xử. Là quản lý thì càng nên tránh được những tình huống này càng tốt. Tốt nhất là nên không can dự vào những mâu thuẫn của NV, để NV tự xử lý với nhau.

- Muốn chấn chỉnh một cá nhân nào trong công ty trước hết phải có phương án dự phòng. Tuyệt đối không nên manh động khi chưa có phương án B và chưa dự trù được hậu quả. Nhất là ở những vị trí quan trọng và nhạy cảm.

- Những thời điểm nhạy cảm, nên để NV “thắng” hết đi, mình nhận “thua” . Hơn thua với NV không làm công việc suôn sẻ, trôi hơn. Luôn phải đặt và nhìn đến những mục tiêu lớn và quan trọng hơn lên trước nhất, luôn phải đặt lợi ích công ty lên trên việc hơn thua thỏa mãn bản thân.

Tôi đã có bài học hay nói đúng hơn là kinh nghiệm xương máu đầu tiên trên con đường quản trị con người như thế. Thật sự là chẳng có một lý thuyết sách vở nào trong việc quản trị con người, tôi thì luôn lo sợ bản thân mình non trẻ không có đủ kinh nghiệm. Nhưng ba tôi thì luôn bảo “ không bao giờ có sự chuẩn bị nào là đủ, không có lý thuyết nào là đúng hết, chỉ có va vào những tình huống cụ thể mới có thể dần dần tích lũy được kinh nghiệm quản trị con người”.

Rồi tôi thì vẫn non người trẻ dạ như trước, và vẫn sẽ cố gắng tích lũy hàng ngày. Cố gắng viết ra mỗi ngày những bài học mà mình học được từ phía một người trẻ dại ít kinh nghiệm thực tiễn mà đã lao luôn vào công việc quản trị - bước những bước chập chững đầu tiên trong việc quản lý con người. Tôi hy vọng những chia sẻ của mình có thể giúp ích một phần nào cho những bạn trẻ như tôi và cũng là một cách mà tôi tạo động lực cho chính bản thân mình mỗi ngày.

Thanh Hóa, ngày 15/06/2017
Lương Việt Anh
Quảng Cáo Dân An

Link bài viết: Làm quản lý, có những lúc phải biết cho nhân viên “THẮNG” hết đi, mình “THUA” !