Vị thuốc Sinh địa dùng rễ của cây sinh địa hoàng Họ Hoa mõm sói. Cần phân biệt ba loại: địa hoàng là rễ tươi chưa qua chế biến, can địa hoàng là rễ đã qua sấy, thục địa là rễ nhưng đã qua chưng với phụ liệu như sa nhân, gừng, rượu…

Tính vị: vị đắng, tính hàn.

Quy kinh: vào 3 kinh tâm, can ,thận.

Công năng chủ trị:

Thanh nhiệt lương huyết: dùng khi tà nhiệt nhấp vào phần dinh, biểu hiện sốt cao, miệng khát, lưỡi đỏ tâm phiền, thường phối hợp với hoàng liên, huyền sâm, khi huyết nhiệt dẫn đến xuất huyết thì phối hợp với tê giác, mẫu đơn bì, trắc bách diệp sao cháy, hoa hòe sao đen.

Dưỡng âm, sinh tân dịch: thuốc bản chất nhiều dịch nhuận có thể dưỡng âm. vị ngọt tính hàn có thể sinh tân dịch, cho nên có thể dưỡng âm, nhuận táo kết. Sau thời kì bị sốt hoặc bị nhiệt, nhiệt làm thương tổn đến tân dịch. Thường phối hợp với huyền sâm, mạch môn đông. Trường hợp do âm hư hỏa vượng bốc lên thì dùng chung với hoài sơn, trạch tả.

Chỉ khát: sinh địa còn dùng để điều trị bệnh đái đường có kết quả, thường phối hợp với huyền sâm, cát căn, hoài sơn tang diệp.

Liều dùng: khoảng 12- 40g.

Một số kiêng kị khi sử dụng vị thuốc: do thuốc có nhiều dịch, bản chất của nó là trệ nhờn cho nên những người tỳ hư, bụng đầy đại tiện lỏng và dương hư nhiều đờm thấp nhiệt đều không dùng.

Loại sinh địa còn tươi, tính hàn lớn hơn do đó thường dùng để thanh nhiệt lương huyết, loại khô vị ngọt tính hàn dùng để dường âm, sinh tân dịch hạ đường huyết. Thục địa qua chế biến với gừng sa nhân rượu có vị ngọt tính ấm có tác dụng bổ huyết tư âm.

Tác dụng dược lý:

Sinh địa có tác dụng thúc đẩy sự ngưng kết của huyết dịch, có tác dụng cầm máu. Có tác dụng cường tim nhất là càng rõ với trường hợp tim đã suy nhược. Ngoài ra còn có tác dụng hạ đường huyết rất tốt, do chất catapol là một trong những iridoid có trong sinh địa.

Tác dụng kháng khuẩn: sinh địa có tác dụng ức chế nấm ngoài da.

Một số nghiên cứu thấy rằng trong sinh địa trồng ở việt nam đều chứa iridoid glycozid, hàm lượng đó thấp nhất ở giai đoạn mới đào củ về sau khi chế biến bằng cách sấy ở nhiệt độ khác nhau tăng dần và cho hàm lượng cao, ở giai đoạn cuối ủ ấm 3 ngày. Ở giai đoạn thành phẩm sinh địa hàm lượng lại giảm xuống thấp và tiếp tục giảm khi chế thục. Ở giai đoạn thành phẩm của thục hàm lượng rất thấp chỉ còn 0,1%, nhưng lượng đường khử lại tăng lên do đó vị ngọt trong thục địa thể hiện rất rõ. Điều đó chứng tỏ phần nào việc chế biến từ sinh địa sang thục địa có ý nghĩa thay đổi tính vị.